Sen (Nelumbo nucifera)  là một loài thực vật có hoa dưới nước thuộc họ Nelumbonaceae, có nguồn gốc ở các nước châu Á, trồng nhiều ở Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Sri Lanka, Nepal và Việt Nam. Hiện tại, loại cây này được trồng và phổ biến rộng rãi khắp thế giới, có giá trị cao về cả vật chất và tinh thần và là quốc hoa của Ấn Độ và Việt Nam. Ngoài những đặc điểm trên, sen còn được sử dụng như nguồn nguyên liệu cho các món ăn và cũng là thành phần quan trọng đối với y học cổ truyền hoặc thuốc thảo dược. Cây sen Huyết là một trong nhóm sen làm cảnh, cánh kép, màu đỏ đậm, nguồn gốc Ấn Độ, du nhập vào Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu tại Việt Nam và đang được ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên, quy trình chăm sóc và kỹ thuật nhân giống đối với giống sen này còn đang gặp nhiều hạn chế như hoa nhỏ, thời gian ra hoa ít, năng suất hoa thấp. Do vậy, cấp thiết phải nghiên cứu xây dựng quy trình canh tác phù hợp để phát triển giống sen làm cảnh này rộng rãi ra sản xuất.

Bón phân qua lá được sử dụng rộng rãi như một kỹ thuật nhằm cải thiện năng suất và chất lượng của cây trồng. Phương pháp này có thể giúp giảm tổng lượng phân bón cần thiết trong sản xuất cây trồng trong khi vẫn duy trì hiệu quả phân bón. Hơn nữa, bón phân qua lá giúp giảm thiểu hậu quả bất lợi của việc sử dụng quá nhiều phân bón, chẳng hạn như axit hóa đất, nhiễm mặn và không có chất dinh dưỡng. Áp dụng phân bón lá để tăng năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu với các điều kiện bất thuận sinh học, phi sinh học trên các loại hoa đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Nghiên cứu này tiến hành đánh giá ảnh hưởng của các công thức phân bón lá tới sự sinh trưởng, phát triển của giống sen Huyết trồng trong chậu nhằm xác định công thức bón phù hợp nhất phục vụ xây dựng quy trình canh tác giống sen Huyết cảnh. Thí nghiệm chậu vại gồm 4 công thức phun được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ với 3 lần nhắc lại trong hai vụ Thu 2021 và Xuân 2022 tại Hà Nội, đánh giá trên 15 chỉ tiêu định lượng và 5 chỉ tiêu định tính. Kết quả cho thấy phun phân bón lá kéo dài thời gian ra hoa đầu tiên và thời gian kết thúc ra hoa ở cả hai vụ thí nghiệm. Phun phân Đầu trâu 701 (CT1) và Nutrilux Super Flower (CT2) giúp tăng kích thước lá, màu sắc lá, chiều cao cuống hoa, số cánh hoa/bông, kéo dài độ bền hoa và tăng số bông hoa trung bình/chậu so với phun Bud Blossom Growmore (CT3) và phun nước lã (CT4). Ở tất cả các công thức thí nghiệm, giống sen Huyết trồng vụ Xuân cho số hoa trung bình/chậu nhiều hơn vụ Thu. Phun Đầu Trâu 701 cho kích thước hoa và độ bền hoa tốt hơn hẳn so với các công thức phun phân bón lá còn lại do vậy có thể áp dụng phương pháp phun phân bón lá này trong quy trình canh tác giống sen Huyết làm cảnh.

leftcenterrightdel

Hình 1. Ảnh hưởng của các công thức phân bón lá tới chiều cao cành hoa giống Sen Huyết 

 

leftcenterrightdel

Hình 2. Ảnh hưởng của các công thức phân bón lá tới số cánh hoa giống Sen Huyết 

 

leftcenterrightdel
Hình 3. Ảnh hưởng của các công thức phân bón lá tới độ bền hoa giống Sen Huyết 

 

Nguồn: Vũ Thị Xuân Bình, Nguyễn Thị Nguyệt Anh, Nguyễn Trung ĐứcNguyễn Thị Ngọc Hân, Hoàng Đăng Dũng

Học viện Nông nghiệp Việt Nam