Ngày 30/03/2022, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đăng cai tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu tại Việt Nam và Lào thuộc khuôn khổ dự án “Covid Collective khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến thông qua nền tảng Zoom. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO), Viện Nghiên cứu Phát triển Vương quốc Anh (IDS), các Tổ chức tham gia công bố kết quả nghiên cứu, các đại biểu đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở lao động thương binh xã hội HN, Sở Y tế HCM, Hội Người khuyết tật và các sở ngành liên quan thuộc các địa bàn nghiên cứu, cũng như các nhà khoa học thuộc các tổ chức hoạt động trong mạng lưới của dự án. Mục tiêu của Hội thảo là công bố kết quả của các nghiên cứu trong khuôn khổ dự án Covid Collective, từ đó thu hút sự quan tâm của các cơ quan Chính phủ và các tổ chức liên quan tại Việt Nam. Ngoài ra, Hội thảo này cũng sẽ là cầu nối để xác định các lĩnh vực cần ưu tiên liên quan đến COVID-19 cũng như thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của các bên liên quan.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Phạm Bảo Dương – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã khái quát các tác động của đại dịch Covid-19 đến y tế, kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời nhấn mạnh thành quả đã đạt được của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch, đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, PGS.TS. Phạm Bảo Dương cho rằng, nghiên cứu về các tác động, ảnh hưởng lâu dài của đại dịch và bài học kinh nghiệm rút ra nhằm hoàn thiện chính sách, tăng khả năng ứng phó với những diễn biến khó lường của đại dịch trong tương lai vẫn mang tính thời sự sâu sắc. GS.TS Hoàng Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng và TS. Peter Taylor – Đại diện Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh cũng phát biểu đồng khai mạc hội thảo, nêu bật ý nghĩa về lý luận và thực tiễn của các nghiên cứu về tác động của Covid đến các quốc gia đang phát triển, đặc biệt đối với những đối tượng dễ bị tổn thương. 

leftcenterrightdel
PGS.TS Phạm Bảo Dương phát biểu khai mạc Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu tại Việt Nam và Lào thuộc khuôn khổ dự án “Covid Collective khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” 

Hội thảo đã được nghe bốn thuyết trình đến từ đại diện của bốn tổ chức đối tác tham gia dự án Covid Collective: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, Trường Đại học Y tế Công cộng, Trường Đại học Y khoa Lào.  Học viện Nông nghiệp Việt Nam đóng góp nghiên cứu của mình trong dự án Covid Collective qua hợp phần “Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến an ninh lương thực và dinh dưỡng của người lao động di cư như thế nào?” được thực hiện từ tháng 8/2021 đến tháng 3/2022.Mục tiêu của hợp phần nhằm đánh giá tác động của các biện pháp hạn chế trong phòng chống Covid đến an ninh lương thực và dinh dưỡng của những người lao động di cư thông qua tìm hiểu sự thay đổi đối với môi trường thực phẩm của họ, bao gồm cả đời sống kinh tế và khả năng tiếp cận thực phẩm lành mạnh.  Thành công của hợp phần là kết quả của sự nỗ lực đến từ các giảng viên – nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực xã hội học và pháp luật của Khoa Khoa học xã hội mà nòng cốt là Nhóm nghiên cứu mạnh “Cấu trúc xã hội nông thôn”. PGS. TS. Nguyễn Thị Diễn là chủ nhiệm đề tài, tiếp tục phát triển các thành tựu nghiên cứu của PGS và Nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực lao động, di cư và an ninh lương thực.

leftcenterrightdel
PGS.TS. Nguyễn Thị Diễn báo cáo kết quả nghiên cứu “Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến an ninh lương thực và dinh dưỡng của người lao động di cư như thế nào?” 

Phiên thảo luận của Hội thảo diễn ra sôi nổi với sự điều hành của GS.TS. Hoàng Văn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Y tế Công cộng, PGS. TS. Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số và PGS.TS. Nguyễn Thị Diễn. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu đến từ GS.TS. Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam, TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, các đại diện đến từ GaneshAID, Hội Người khuyết tật, UBND huyện Gia Lâm,… Các đại biểu đều đánh giá cao các kết quả nghiên cứu đã được công bố trong Hội thảo, nhấn mạnh tính mới, tính thời sự và khả năng đóng góp của các kết quả nghiên cứu vào quá trình hoạch định chính sách của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, định hướng nghiên cứu trong thời gian tới nên mở rộng đến những khía cạnh chưa được đi sâu khai thác như: các vấn đề đặc thù nảy sinh từ Covid-19 đối với lao động di cư khu vực phi chính thức, các chính sách phục hồi sinh kế cho lao động di cư hồi hương, các vấn đề về cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu trong thời kì đại dịch, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng do đại dịch, đánh giá lại về “tính công bằng” đối với các đối tượng bị tổn thương trong đại dịch…

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham gia vào quá trình thảo luận 

Hội thảo kết thúc với phát biểu kết luận của TS. Ayako Ebata – Viện Nghiên cứu Phát triển Vương Quốc Anh và PGS. TS. Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số. Các phát biểu đều đánh giá cao nỗ lực và kết quả đến từ các nhóm nghiên cứu, đồng thời bày tỏ lời cảm ơn tới lãnh đạo và nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội thảo thành công rực rỡ.

TS. Nguyễn Thị Minh Hạnh – Khoa Khoa học xã hội