TƯ LIỆU VỀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG ĐOÀN NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT VIỆT NAM

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (13/3/1948 -13/3/2023)

 

I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP CÁC TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN THÀNH VIÊN TỪ NĂM 1948 ĐẾN 1997

1.     Thành lập Công đoàn Canh nông năm 1948

Phong trào công nhân, viên chức lao động và tổ chức Công đoàn ngành nông nghiệp Việt Nam gắn liền với quá trình hình thành, phát triển ngành Nông nghiệp nước ta, với những chặng đường cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trải qua các thời kỳ lịch sử, phong trào công nhân lao động ngành nông nghiệp Việt Nam không ngừng lớn mạnh, anh dũng tham gia đấu tranh vì tự do dân chủ, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với giai cấp công nhân và nhân dân cả nước viết nên những trang lịch sử, truyền thống vẻ vang.

Qua hoạt động thực tiễn và nguyện vọng của người lao động trong ngành, các phong trào công nhân viên chức lao động trong các đơn vị của ngành được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động địa phương nơi các đơn vị hoạt động đã phối hợp với Lãnh đạo Bộ Canh nông chỉ đạo trực tiếp. Qua các phong trào đó, các công đoàn cơ sở của ngành từng bước được củng cố, phát triển thêm đoàn viên.

Sau năm 1947, tổ chức bộ máy Canh nông từ Trung ương đến địa phương ở các vùng tự do đã được hình thành, lực lượng công nhân viên chức, lao động ngành Canh nông lúc này đã khá đông đảo, ngành nông nghiệp có vai trò vị trí rất quan trọng trong kháng chiến kiến quốc. Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyết định về việc thống nhất tổ chức công đoàn theo những ngành nghề dọc đến toàn quốc. Trong bối cảnh đó Công đoàn Canh Nông đã được thành lập.

Ngày 13 tháng 3 năm 1948, Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Canh nông Việt Nam đã thông qua điều lệ Công đoàn Canh nông Việt Nam, trong đó ghi rõ “Công đoàn Canh nông Việt Nam là một bộ phận của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, gồm tất cả các Công đoàn Canh nông tỉnh.”

Bắt đầu từ tháng 3 năm 1948, đội ngũ công nhân viên chức, lao động ngành Canh nông đã có tổ chức Công đoàn ngành nghề của mình. Kể từ đó, Ban chấp hành Công đoàn Canh nông Việt Nam đứng ra tổ chức phong trào công nhân và công đoàn trong ngành Canh nông cùng với sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Ban lãnh đạo Bộ Canh nông.

Việc chọn ngày 13 tháng 3 năm 1948  làm ngày thành lập tổ chức Công đoàn ngành Nông nghiệp Việt Nam khẳng định được tính liên tục của truyền thống, bề dày phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động của các Công đoàn Ngành nhánh trong Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam suốt 75 năm qua.

2.     Quá trình thành lập các tổ chức Công đoàn thành viên từ 1948 đến năm 1997

Từ năm 1948 đến năm 1960 là 12 năm hoạt động của Công đoàn Canh nông Việt Nam.

Tháng 5 năm 1960, Ban Cán sự công đoàn Nông Lâm được thành lập, ứng với sự ra đời của Bộ Nông Lâm, sau bảy tháng thì giải thể, để thành lập Công đoàn Nông trường quốc doanh Việt Nam và Ban Cán sự công đoàn Lâm nghiệp Việt Nam, Ban Cán sự công đoàn Thủy sản Việt Nam vào tháng 12 năm 1960. Công đoàn Nông trường quốc doanh Việt Nam hoạt động trong vòng 10 năm (1961 – 1971),

Năm 1972 được thay thế bởi Công đoàn Nông nghiệp Việt Nam, ứng với việc thành lập Ủy ban Nông nghiệp Trung ương.

Năm 1987, Công đoàn Nông nghiệp Việt Nam hợp nhất cùng với công đoàn các ngành lương thực và công nghiệp thực phẩm để trở thành Công đoàn Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm Việt Nam. Quá trình hội tụ tổ chức công đoàn các ngành còn tiếp tục diễn ra hai lần nữa, ứng với các lần kiện toàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đó là sự hợp nhất các Công đoàn Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Công đoàn Lâm nghiệp Việt Nam, Công đoàn Thủy lợi Việt Nam và Công đoàn Cao su Việt Nam thành Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam năm 1997; sáp nhập Công đoàn Thủy sản Việt Nam vào Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam năm 2007.

Đồng thời với tiến trình trên, ở một dòng chảy khác là sự ra đời của ngành thủy lợi. Trong 10 năm từ 1945 đến 1955, ngành thủy lợi nằm trong Bộ Giao thông Công chính. Từ năm 1955 trở đi được tách riêng, ban đầu là Bộ Thủy lợi và Kiến trúc, đến 1958 là Bộ Thủy lợi, năm 1960 là Bộ Thủy lợi và Điện lực, năm 1962 là Bộ Thủy lợi. Bộ Thủy lợi hoạt động đến năm 1995 thì nhập vào với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như nói ở trên.

Trước năm 1978 Công đoàn ngành thủy lợi chưa được thành lập. Tổ chức công đoàn của các đơn vị thủy lợi trong Bộ cũng như ở các địa phương được thành lập từ kháng chiến chống Pháp, hoạt động dưới sự chỉ đạo của tổ chức công đoàn các tỉnh, thành phố nơi đứng chân và các tổ chức công đoàn cấp trên ngành Giao thông công chính. Năm 1978 Công đoàn Thủy lợi Việt Nam được thành lập. Sau gần 20 năm hoạt động, đến năm 1997 thì hội nhập vào trong Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Ở một nhánh khác, ngành lương thực và thực phẩm có xuất xứ từ Bộ quốc dân Kinh tế năm 1945, sau đổi thành Bộ Công thương năm 1951 và được tách ra thành Bộ Công nghiệp (quản lý ngành công nghiệp thực phẩm) và Bộ Thương nghiệp (quản lý ngành lương thực) năm 1955. Năm 1958, khi Bộ Thương nghiệp tách ra thành Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương, thì năm 1959 Chính phủ thành lập Cục Lương thực thuộc Bộ Nội thương. Năm 1961, Tổng cục Lương thực được thành lập trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Thời gian đó, trong Bộ Công nghiệp nhẹ (được tách ra từ Bộ Công nghiệp năm 1960) có bộ  phận quản lý ngành công nghiệp thực phẩm. Đến năm 1969, bộ phận này nhập với Tổng cục Lương thực để thành lập Bộ Lương thực và thực phẩm. Năm 1981, Bộ Lương thực và Thực phẩm được tách ra thành Bộ Lương thực và Bộ Công nghiệp thực phẩm. Sáu năm sau, hai bộ này được hợp nhất với Bộ Nông nghiệp để thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm năm 1987.

Cùng với quá trình đó, tổ chức công đoàn lương thực, thực phẩm được hình thành từ các công đoàn cơ sở ở các đơn vị của ngành, ban đầu nằm trong các công đoàn cấp trên ngành thương nghiệp, công nghiệp nhẹ. Sau đó, năm 1965 thành lập Công đoàn Lương thực Việt Nam, năm 1974 thành lập Công đoàn Lương thực và thực phẩm Việt Nam. Đến năm 1983, Công đoàn Lương thực và Thực phẩm Việt Nam tách ra thành Công đoàn Công nghiệp thực phẩm và Ban Cán sự công đoàn Lương thực Việt Nam. Sau nhiều năm hoạt động độc lập, đến năm 1987, các Công đoàn ngành này được hợp nhất với Công đoàn Nông nghiệp Việt Nam để thành lập Công đoàn Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm.

Ngành cao su thuộc ngành nông nghiệp, nhưng có quá trình xây dựng và phát triển đặc thù. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, Tổng cục Cao su được thành lập. Đến 1977 trực thuộc Bộ Nông nghiệp, năm 1981 được tách ra trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1990 Tổng cục giải thể, ngành cao su do Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm quản lý. Năm 1995 thành lập Tổng công ty Cao su. Sau này trở thành Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Sau này, Công đoàn Cao su Việt Nam được sáp nhập vào Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 1997. Đến năm 2000 lại được tách ra trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoạt động cho đến ngày nay.

Quá trình 75 năm hình thành và phát triển, từ 1948 đến 2023, phong trào công nhân viên chức, lao động và công đoàn ngành nông nghiệp nước ta trải qua những thời kỳ phân chia và hội tụ, có nhiều công đoàn ngành nhánh kế tiếp nhau hoặc cùng nhau song song tồn tại.

II. Phong trào công nhân công đoàn các các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, cao su từ 1948 đến 1997

1. Phong trào công nhân công đoàn ngành Nông nghiệp từ 1948-1997 (bao gồm quá trình hình thành và hoạt động của các tổ chức Công Đoàn Canh Nông, Nông trường Quốc Doanh, Lương thực, Công nghiệp Thực phẩm)

1.1. Phong trào Công nhân viên chức lao động và Công đoàn ngành Canh nông Việt Nam giai đoạn 1948- 1960

Đây là 12 năm Công đoàn Canh nông Việt Nam tập hợp lực lượng công nhân viên chức, lao động của ngành, cùng với quân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến kiến quốc chống thực dân Pháp, giành được hòa bình trên một nửa đất nước, bắt đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiệm vụ xuyên suốt của Công đoàn Canh nông Việt Nam là tập hợp đông đảo công nhân viên chức trong phong trào tăng gia sản xuất và tiết kiệm, tự túc lương thực, thực phẩm, nuôi quân đánh giặc; vận động, giúp đỡ nông dân vừa phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và thủy lợi, vừa tham gia chiến đấu, xây dựng và bảo vệ chiến khu và lực lượng cách mạng. Cuối những năm kháng chiến, Đảng ta chủ trương bước đầu cải cách ruộng đất, xây dựng nông thôn, đấu tranh chống phong kiến. Đội ngũ công nhân viên và công đoàn trong ngành đã đóng góp vai trò lớn, thực hiện khối liên minh vững chắc giữa công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Phương châm hoạt động của tổ chức Công đoàn lúc đó là: “Đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm, kết hợp với công tác trung tâm của toàn dân là phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô để bồi dưỡng và đẩy mạnh lực lượng kháng chiến”. Phong trào thi đua ái quốc trong những năm 1948 – 1954 đã thực sự khơi dậy sức mạnh tinh thần to lớn của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức ngành canh nông, thủy lợi, lương thực, thực phẩm cùng với nhân dân cả nước vượt qua mọi thách thức, khó khăn, làm nên các kỳ tích về kinh tế, chính trị, quân sự và cuối cùng là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Hòa bình được lập lại ở miền Bắc, công nhân viên chức, lao động ngành nông, lâm, ngư nghiệp và thủy lợi đã cùng nhân dân miền Bắc thực hiện kế hoạch ba năm khôi phục kinh tế (1955 – 1957), lấy khôi phục nông nghiệp là trọng tâm để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kết cấu hạ tầng nông thôn, nông nghiệp và các công trình thủy lợi đã bị chiến tranh tàn phá, đồng thời góp phần hoàn thành cải cách ruộng đất, xóa bỏ chế độ sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ; vận động nông dân tham gia phong trào hợp tác hóa, đưa miền Bắc đi theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự nỗ lực vượt bậc của họ đã góp phần xây dựng miền Bắc, tạo nên những thành tựu to lớn. Sản xuất lương thực, thực phẩm, công tác thủy lợi đều đạt được những kết quả vượt bậc.

Trong những năm phát triển và cải tạo kinh tế (1958 – 1960), công nhân viên chức, lao động ngành nông nghiệp tiếp tục là lực lượng đi đầu, thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng là đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, lấy sản xuất nông nghiệp làm khâu chính. Trong giai đoạn này, ngành nông nghiệp vừa phát triển theo chiều sâu ở từng lĩnh vực ngành nghề, vừa tổ chức lại sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất mới, tiến bộ hơn. Chúng ta đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, tạo những điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tham gia thúc đẩy phong trào cải tạo nông nghiệp, thành lập các hợp tác xã nông nghiệp từ bậc thấp đến bậc cao; thành lập các nông trường, sản xuất tập trung theo mô hình kinh tế quốc doanh với chế độ sở hữu nhà nước về tư liệu sản xuất. Trong lâm nghiệp đã đẩy mạnh khai thác gỗ và lâm sản phục vụ phát triển kinh tế của đất nước gắn với vận động nhân dân bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng với phong trào “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ năm 1959. Trong ngành thủy sản, cùng với việc thành lập Vụ Ngư nghiệp trong Bộ Nông Lâm, phong trào “cải tạo dân chủ miền biển”, “hợp tác hóa” và “xây dựng quốc doanh nghề cá”, phát triển sản xuất theo phương châm “cải tiến nghề lộng, phát triển nghề khơi, sắm thêm nhiều thuyền đánh cá quanh năm”… được triển khai với các chính sách khuyến khích của Nhà nước. Nghề cá bắt đầu áp dụng rộng rãi ni lon hóa ngư cụ, cơ giới hóa tàu thuyền, từng bước đầu tư xây dựng các tổ chức nghề cá công nghiệp. Cùng với đó, phong trào nuôi cá được đẩy mạnh, diện tích nuôi tăng nhanh, cung cấp ngày càng nhiều thực phẩm và chất dinh dưỡng cho đất nước. Ngành thủy lợi triển khai các nhiệm vụ cơ bản, điều tra tình hình thủy lợi toàn miền Bắc, xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư trọng điểm; kết hợp với địa phương làm thủy nông, xây dựng thành công đại công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; xây dựng quy hoạch tổng thể sông Hồng, làm cơ sở triển khai công tác đê điều, xây dựng hệ thống thủy lợi đồng bằng sông Hồng sau này. Các phong trào thi đua yêu nước trong ngành thường xuyên được phát động, bám sát sản xuất, phát huy cao độ sức mạnh khối liên minh công nông và trí thức để phục vụ nông nghiệp. Thi đua thực sự là động lực to lớn, đi sâu vào lòng người, khơi dậy sức lao động sáng tạo, vượt khó, nâng cao năng suất của đông đảo người lao động, như phong trào “công nhân phục vụ nông nghiệp, hợp tác hóa”, “Tết trồng cây”, “Sản xuất, tiết kiệm”, “Chất lượng tốt, số lượng nhiều, giá thành hạ”… Lực lượng công nhân viên chức, lao động của ngành đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, là tiền đề để hình thành và phát triển các tổ chức Công đoàn ngành nghề.

1.2. Hoạt động của Công đoàn Nông trường quốc doanh Việt Nam (1961 – 1971) 

Sau năm 1960 là bắt đầu mười năm hoạt động của Công đoàn Nông trường quốc doanh Việt Nam (1961 – 1971), mười năm phát triển mạnh mẽ các nông trường, thực hiện nhiệm vụ đi đầu phát triển quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, làm hình mẫu cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cả về phương thức quản lý và phát triển sản xuất theo chiều sâu. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, lao động các nông trường đã ra sức thực hiện hai nhiệm vụ lớn: phát triển kinh tế nông trường và hậu thuẫn cải tạo và phát triển kinh tế nông nghiệp ở nông thôn. Công đoàn Nông trường quốc doanh đã không ngừng tuyên truyền giáo dục về đường lối kinh tế của Đảng, nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp của công nhân nông trường, xây dựng, củng cố Công đoàn lớn mạnh để trở thành trường học quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, trường học của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của công nhân nông trường, giúp họ tự cải tạo chính mình.

Các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, bám sát yêu cầu phát triển ngành. Đội ngũ cán bộ, người lao động ngành nông trường đã thực hiện vai trò đi đầu của giai cấp công nhân trong phát triển nông nghiệp. Chiến tranh lan rộng cả nước, lớp lớp thanh niên đã lên đường nhập ngũ, vào thanh niên xung phong, trực tiếp tham gia đoàn quân ra trận, chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính trong điều kiện chiến tranh ác liệt, khan hiếm nguồn nhân lực đó, các nông trường đã tìm ra cách đi vững chắc theo cả chiều rộng và chiều sâu. Lực lượng ở lại nông trường đã nêu cao tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai”, thi đua “cải tiến kỹ thuật”, “lao động sáng tạo”, “sản xuất tiết kiệm”, “ba xây ba chống”, “tích cực tham gia quản lý nông trường”, “mở rộng dân chủ”, “phấn đấu trở thành người lao động tiên tiến, tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa”,… lấy tăng năng suất lao động, năng suất cây trồng, vật nuôi, tổ chức lại sản xuất, sử dụng lao động hợp lý để không những duy trì mà còn phát triển mạnh mẽ hơn sản xuất, chi viện nhiều hơn cho miền Nam ruột thịt. Các phong trào thi đua sáng tạo đã trở thành điểm sáng, niềm tự hào của nhiều nông trường như “Đông Xuân Bác Hồ”, “Bốn tốt”, “Năm nhất”, “Bốn quản”…

Bằng quyết tâm, nỗ lực phấn đấu bền bỉ, các nông trường từng bước vươn lên, qua 10 năm phát triển đã hoàn thành trọng trách của mình ở vị trí trung tâm của đường lối công nghiệp hóa nông nghiệp. Đội ngũ công nhân lao động nông trường được chăm lo cả về vật chất và tinh thần đã không ngừng lớn mạnh, góp phần tạo dựng lực lượng sản xuất nông nghiệp xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp và tổ chức Công đoàn Ngành trong các giai đoạn tiếp theo cho đến ngày nay.

1.3. Hoạt động của Công đoàn Nông nghiệp Việt Nam (1972 – 1987) 

Mười lăm năm hoạt động của Công đoàn Nông nghiệp Việt Nam (1972 – 1987) là thời kỳ cách mạng nước ta có những chuyển biến quan trọng, với các cột mốc vẻ vang của chiến thắng lịch sử “Điện Biên phủ trên không”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bước qua những khó khăn của nền kinh tế bao cấp, chuyển sang thời kỳ đổi mới toàn diện từ năm 1986.

Ngay sau khi được thành lập năm 1972, trước sự leo thang ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại, Công đoàn Nông nghiệp Việt Nam đã phát huy vai trò của mình với các phong trào thi đua yêu nước, từ “Thi đua lao động, sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, dồn sức chi viện để giải phóng miền Nam” trong chiến tranh, đến các phong trào xây dựng kinh tế nông nghiệp sau ngày thống nhất đất nước, thi đua liên kết “phục vụ sản xuất nông nghiệp”. Với đặc thù của ngành, Công đoàn Nông nghiệp Việt Nam có nhiều sáng tạo trong các hoạt động. Bên cạnh các phong trào chung của hệ thống công đoàn, ngành đã phát động các phong trào thi đua đột phá với nhiều màu sắc: “Thi đua làm nông nghiệp giỏi”, “tay đôi”, “tay ba”, “tay tư”, “kết nghĩa công nông”, “hiến kế thâm canh”, “năm mũi”, “bảy mũi” giáp công chi viện cho nông nghiệp, xây dựng “Cánh đồng công – nông kiểu mẫu”, “Cánh đồng công – nông thực nghiệm 10 tấn”, “Cánh đồng công – nông liên minh”, Cánh đồng công – nông cao sản”, “thi đua cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp”, phấn đấu trở thành “trạm cơ khí phục vụ nông nghiệp giỏi”, “thi lái máy cày giỏi”, "thâm canh giỏi, quản lý giỏi"… thu hút sự tham gia của hàng vạn công nhân viên chức, lao động trong các cơ quan, đơn vị, nông trường, doanh nghiệp, trạm cơ khí nông nghiệp…

Qua các phong trào đó, Công đoàn Ngành nhanh chóng trưởng thành, vừa thực hiện nhiệm vụ tham gia quản lý, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, vừa tham gia xây dựng chế độ chính sách, làm tròn trách nhiệm chăm lo bảo vệ lợi ích, ổn định và nâng cao đời sống người lao động; củng cố xây dựng tổ chức công đoàn, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Lực lượng công nhân viên chức nông nghiệp ngày càng lớn mạnh, là đội quân xung kích hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, thực hiện trọng trách là mặt trận hàng đầu trong những năm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, đi đầu đổi mới kinh tế từ khi thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư năm 1981. Nông nghiệp đã có những bước tiến vững chắc, là chỗ dựa và trụ đỡ của nền kinh tế trong quá trình đổi mới.

1.4. Hoạt động của Công đoàn ngành lương thực, thực phẩm (1965 – 1987) Hai mươi hai năm hoạt động của Công đoàn ngành lương thực, thực phẩm (1965 – 1987) là quá trình phấn đấu bền bỉ của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, lao động trong ngành, nằm trong quá trình 42 năm xây dựng và phát triển ngành lương thực, thực phẩm, từ 1945 đến 1987. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong thời kỳ trước và sau khi bước vào đổi mới kinh tế, công nhân viên chức, lao động toàn ngành luôn sát cánh cùng giai cấp nông dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu mua, chế biến, phân phối lương thực, thực phẩm cho cán bộ, người dân, quân đội, đáp ứng các nhu cầu của đất nước trong chiến tranh và trong thời bình.

Trong chiến tranh họ không quản ngày đêm, dũng cảm bám vị trí làm việc, bám cửa hàng, đưa hàng đến tận người dân, đơn vị sản xuất để phục vụ; khắc phục vô vàn khó khăn nơi trọng điểm đánh phá của địch ở các nhà máy, thành phố, vừa sản xuất vừa chiến đấu, đảm bảo có đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu trọng yếu của đất nước.

Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong cơ chế bao cấp, kế hoạch hóa với các chính sách thu mua, phân phối lương thực, thực phẩm theo tiêu chuẩn, định mức tem phiếu, cán bộ, công nhân viên chức của ngành đã phấn đấu hoàn thành kế hoạch trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, thiếu nguyên vật liệu sản xuất; không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, ý thức nghề nghiệp, chống tiêu cực tham ô, lãng phí, cửa quyền, trở thành những cán bộ, công nhân viên, mậu dịch viên vừa hồng vừa chuyên, hoàn thành kế hoạch với năng suất, chất lượng cao, giá thành thấp. Chuyển sang thời kỳ đổi mới, xóa bỏ tem phiếu, thực hiện cơ chế một giá, bù giá vào lương, cán bộ, công nhân viên ngành lương thực, thực phẩm đã luôn sáng tạo, cải tiến quản lý kinh tế - tài chính, phương thức thu mua - bán hàng, nâng cao năng lực chuyên môn, thích ứng với cơ chế mới, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu xã hội trong điều kiện ngày càng phức tạp.

Qua các thời kỳ phát triển: Công đoàn Lương thực Việt Nam (1965 – 1974), Công đoàn Lương thực và Thực phẩm Việt Nam (1974 – 1983), Công đoàn Lương thực Việt Nam và Công đoàn Công nghiệp thực phẩm Việt Nam (1983 – 1987), Công đoàn ngành luôn là người đại diện xứng đáng của giai cấp công nhân, vận động quần chúng đi theo Đảng, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, chăm lo quyền lợi, bồi dưỡng, giáo dục đoàn viên công đoàn, người lao động phấn đấu vì sự phát triển của ngành và đất nước. Làm nên thắng lợi của ngành có sự đóng góp to lớn của đông đảo cán bộ, công nhân viên chức. Họ được tập hợp và phát huy sức mạnh trong các phong trào thi đua yêu nước, hành động cách mạng do Công đoàn cùng với Bộ và cơ quan chuyên môn phát động. Nhiều khẩu hiệu đã trở thành tâm nguyện và ý chí của người lao động. Từ “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Ngày thứ bảy đấu tranh thống nhất nước nhà”, “Mỗi nhà máy là một pháo đài, mỗi công nhân là một chiến sĩ”, “Giặc đến là đánh, giặc đi lại sản xuất”… trong những năm đánh Mỹ, đến những khẩu hiệu phấn đấu trong thời bình “Mỗi cán bộ, công nhân viên ít nhất phải phát huy một sáng kiến”, “Tiến quân dành ba điểm cao”, “Chiến dịch nhập kho”, “Kho 5 tốt”, “Ba lợi ích”… dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phong trào công nhân và công đoàn của ngành luôn bám sát mục tiêu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm. Tổ chức Công đoàn ngành luôn chăm lo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công nhân viên, giúp họ ngày càng trưởng thành.

1.5   . Hoạt động của Công đoàn Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (1987 – 1997)

Mười năm hoạt động của Công đoàn Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (1987 – 1997) là giai đoạn tiếp nối sự phát triển của tổ chức Công đoàn Ngành trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước sau Đại hội Đảng lần thứ VI, với lực lượng ngày càng đông đảo, đa ngành nghề. Đó là 10 năm nông nghiệp thực sự “bung ra” với Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988. Đội ngũ công nhân viên chức, lao động nông nghiệp đã đóng góp công sức của mình vào công cuộc đổi mới, làm nên những bước phát triển mới của kinh tế nông nghiệp. Tăng trưởng nông nghiệp cao, ổn định, khá dẻo dai trước những xáo trộn của thị trường và môi trường chính sách, tạo sự thăng bằng cho nền kinh tế. An ninh lương thực từng bước được tăng cường, đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu của xã hội. Thế độc canh cây lúa, tự cấp, tự túc bước đầu được phá vỡ, nền nông nghiệp hướng tới đa canh, toàn diện. Nông sản hàng hóa được mở rộng về chủng loại, tăng nhanh về số lượng. Một số vùng chuyên canh lớn bắt đầu được hình thành, tăng nhanh xuất khẩu. Kết cấu hạ tầng được tăng cường, nhất là thủy lợi. Lĩnh vực sau thu hoạch được quan tâm và bắt đầu hình thành công nghiệp chế biến. Đời sống nông thôn được cải thiện, xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tốt.

10 năm phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức của thời kỳ chuyển đổi gắn với dịch chuyển cơ cấu, lực lượng và sự phân hóa, phân tầng của giai cấp công nhân, với quan hệ lao động ngày càng đa dạng, phức tạp, Công đoàn Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm Việt Nam đã chăm lo xây dựng đội ngũ công nhân viên chức, lao động của ngành, tập hợp, gắn kết họ thành một khối, phấn đấu cho mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến. Các phong trào thi đua được duy trì đều đặn, mang những màu sắc mới. Cùng với truyền thống thi đua liên kết phục vụ nông nghiệp; thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Đơn vị lao động giỏi”, “Người quản lý giỏi”, “Sản xuất - Tiết kiệm”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”…, đã có nhiều phong trào mới nhằm phát huy sự năng động của mọi nhà, mọi người: “Nhà doanh nghiệp giỏi”, “Hộ gia đình sản xuất giỏi”, “Làm kinh tế giỏi”… Trong cơ chế thị trường với cạnh tranh là động lực thúc đẩy, thi đua xã hội chủ nghĩa tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong tổng thể các giải pháp cơ bản, tiếp tục phát huy sức mạnh tinh thần to lớn tiềm ẩn trong mỗi con người, mỗi đơn vị, giúp nông nghiệp, nông thôn nước ta có những bước tiến mạnh mẽ.

2.     Phong trào công nhân công đoàn ngành Cao su Việt Nam từ 1945 đến 1997

Hoạt động của Công đoàn Cao su Việt Nam  là chặng đường phong trào công nhân viên chức, lao động ngành cao su được dẫn dắt bởi tổ chức Công đoàn ngành trung ương, đại diện cho toàn bộ lực lượng cao su trong cả nước, tiếp nối lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của công nhân cao su có từ trước năm 1945. Khi Công đoàn Cao su Việt Nam được chính thức thành lập năm 1981, ngành cao su đã phát triển mạnh mẽ trên phạm vi cả nước cả về diện tích, sản lượng, chất lượng, phục vụ các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu.

Phong trào công nhân viên chức lao động của ngành chuyển từ đấu tranh cách mạng dân tộc, dân chủ sang thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trải qua những năm khó khăn hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và cải tạo kinh tế, xây dựng ngành cao su trong cơ chế bao cấp, đến thời kỳ đổi mới, đội ngũ công nhân viên chức, lao động cao su luôn phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của mình, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành kế hoạch được giao. Tổ chức Công đoàn không ngừng quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giáo dục, bồi dưỡng công nhân lao động, xây dựng họ trở thành những thế hệ người lao động vừa hồng, vừa chuyên; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước.

Nhìn lại chặng đường đấu tranh gần một thế kỷ, đội ngũ công nhân cao su Việt Nam có quyền tự hào về truyền thống đấu tranh chống thực dân, đế quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là bộ phận công nhân bị áp bức, bóc lột nặng nề và dã man nhất dưới chế độ thuộc địa, công nhân cao su sớm có tinh thần cách mạng triệt để và kiên định, đứng lên đấu tranh với ý chí kiên cường, bất khuất. Được tập hợp từ nhiều vùng miền cả nước, nhiều dân tộc, tôn giáo, đội ngũ công nhân cao su là sự kết tụ tình đoàn kết giai cấp lớn lao trong phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo. Làm việc trong các đồn điền, cơ sở chế biến thời Pháp thuộc, hay sau này trong các đơn vị sản xuất cao su dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, đội ngũ công nhân cao su vừa là những công nhân công nghiệp, vừa là nông dân trồng cao su, phong trào công nhân cao su là biểu tượng tập trung và cụ thể của khối liên minh công nông và trí thức trong từng đơn vị, từng hoạt động, luôn gắn kết chặt chẽ với phong trào công nhân và nông dân cả nước. Trong thời kỳ đổi mới, ngành cao su không ngừng vươn cao và vươn xa để đóng góp ngày càng nhiều hơn cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mở rộng hội nhập quốc tế.

3.     Phong trào công nhân công đoàn ngành Lâm nghiệp từ 1960-1997

Hoạt động của Công đoàn Lâm nghiệp Việt Nam (1961 – 1997) gắn với thời kỳ phát triển và chuyển đổi mạnh mẽ của ngành lâm nghiệp nước ta. Trong 36 năm đó và nhất là hơn 10 năm đổi mới (1986 – 1997), lực lượng đông đảo công nhân viên chức, lao động và các cấp công đoàn ngành lâm nghiệp đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, khủng hoảng, từng bước thích ứng với nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đặt nền móng để phát triển ngành lâm nghiệp nước ta theo chiều sâu và bền vững trong những năm tiếp theo. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, đội ngũ đoàn viên công đoàn và người lao động lâm nghiệp luôn giữ vững bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, đi đầu trong tiến trình đổi mới ngành, góp phần đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Từ những năm đầu tiên với lực lượng còn mỏng, tổ chức công đoàn mới được thành lập dưới thời Ban Cán sự công đoàn Lâm nghiệp Việt Nam, đến Công đoàn Lâm nghiệp Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước và Công đoàn Lâm nghiệp Việt Nam trong những năm đổi mới, phong trào công nhân viên chức, lao động luôn bừng lên bởi sự năng động sáng tạo, hy sinh vượt khó trong chiến đấu, xây dựng và phát triển ngành. Phong trào thi đua yêu nước dù ở bất kỳ giai đoạn nào cũng thu hút đông đảo lực quần chúng tham gia, là sự hội tụ của những tấm gương chiến đấu, lao động và học tập, chịu đựng gian khổ, bám rừng, yêu rừng, sống vì rừng và sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời cho rừng, cho Tổ quốc. “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động đã trở thành truyền thống của nhân dân cả nước, nòng cốt cho phong trào “trồng cây gây rừng” của ngành lâm nghiệp. Phong trào “Thi đua thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung ứng gỗ lâm sản”, “Thi đua đẩy mạnh khai thác gỗ, lâm sản, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp rừng”, “Có thêm gỗ về xuôi là có thêm viên đạn đánh Mỹ” là những tiêu điểm của ngành trong chiến tranh, cùng với “Chiến dịch lâm nghiệp mùa xuân” từ năm 1965 do Chính phủ phát động. Chuyển sang thời bình có phong trào “Thi đua xây dựng và phát triển vốn rừng, đảm bảo cung ứng nhu cầu lâm sản”, “Tăng nhiều rừng xanh, cung ứng nhanh lâm sản”, thi đua thực hiện chương trình “Ba ổn định”… Công đoàn Lâm nghiệp Việt Nam với hoạt động sáng tạo còn phát động những phong trào thi đua đạt danh hiệu “Thợ rừng giỏi”, “Đơn vị hoàn thành kế hoạch xây dựng vốn rừng xuất sắc”, “Sản xuất nông lâm kết hợp”, “Nhận khoán đất, khoán rừng”, “Năng suất cao”, “Mở rộng ngành nghề”, xây dựng mô hình “Tổ chức đời sống và xã hội nghề rừng” trong các lâm trường…

Nhờ đó, ngành lâm nghiệp đã triển khai được tất cả các khâu: trồng rừng, tu bổ, bảo vệ rừng và khai thác rừng. Từng bước thực hiện các chương trình phủ kín các đồi trọc và đồi cát ven biển; xây dựng những khu rừng trồng tập trung và rừng cây đặc sản theo hướng chuyên môn hóa và thâm canh; phát động liên tục phong trào trồng cây gây rừng; làm tốt cuộc vận động định canh, định cư, giải quyết vấn đề lương thực cho đồng bào miền núi, hạn chế nạn đốt phá rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn. Đồng thời mở mang lâm nghiệp quốc doanh, giao rừng cho hợp tác xã, đẩy mạnh việc khai thác, chế biến gỗ và các lâm sản ngoài gỗ… Trong mỗi giai đoạn, nhiệm vụ trọng tâm được giao có khác nhau, người lao động ngành lâm nghiệp luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch của Nhà nước, ngày càng nâng cao nhận thức và hành động về phát triển bền vững.

4.     Phong trào công nhân công đoàn ngành Thủy lợi từ 1945 đến 1997

Hoạt động của Công đoàn Thủy lợi Việt Nam  là giai đoạn phát triển tập trung, tiếp nối truyền thống đầy tự hào của phong trào công nhân viên chức, lao động thủy lợi từ những năm chống thực dân Pháp. Đội ngũ đoàn viên công đoàn, người lao động ngành thủy lợi được tập hợp trong tổ chức Công đoàn ngành dọc trên phạm vi cả nước.

Trải qua 19 năm với bốn kỳ đại hội, Công đoàn Thủy lợi Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, phát triển ngày càng vững mạnh, lực lượng đoàn viên công đoàn, người lao động thường xuyên được củng cố. Thành tựu to lớn và xuyên suốt của Công đoàn Thủy lợi Việt Nam là tổ chức thành công các phong trào hành động cách mạng trong toàn ngành, trên mọi lĩnh vực và vị trí làm việc; gắn thi đua yêu nước với các hành động chuyên môn cụ thể, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch, thực hành tiết kiệm, chống tiêu cực tham ô, lãng phí, xây dựng đơn vị tiên tiến, con người tiên tiến và giai cấp công nhân vững mạnh, xây dựng và phát triển sự nghiệp thủy lợi. Công đoàn Ngành đã tham gia đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật cả về chuyên môn và chính trị, xây dựng chế độ, chính sách ngành nghề, bệnh nghề, công việc nặng nhọc độc hại đặc thù, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho công nhân lao động qua những thời kỳ thăng trầm của đất nước. Vượt qua mọi khó khăn, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề từng bước trưởng thành, trở thành lực lượng hùng hậu, có phẩm chất đạo đức chính trị, tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, lao động cần cù, sáng tạo, luôn hoàn thành mục tiêu kế hoạch hàng năm của ngành, góp phần xứng đáng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đó là đội quân chủ lực, đã quy hoạch, thiết kế kỹ thuật, chỉ đạo thực hiện và tham gia kiến tạo nên những công trình thủy lợi từ nhỏ đến lớn cho đất nước, thay đổi diện mạo hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn; củng cố và phát triển hệ thống đê điều, đảm bảo an toàn; đi đầu trong phòng chống bão lụt, góp phần xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn. Lao động sáng tạo, bền bỉ của họ cùng với toàn dân đã kết tụ thành những công trình ích nước lợi nhà trên khắp các vùng miền của Tổ quốc qua từng giai đoạn, từ phong trào xây dựng hệ thống thủy nông với công sức lao động của hàng triệu người trong mạng lưới các Đội thủy lợi 202, từ những đại công trình như Bắc - Hưng - Hải ở thế kỷ trước, đến những hệ thống cống, trạm bơm, hồ, đập, kênh mương trên khắp các lưu vực sông, những công trình thủy lợi, thủy điện ở miền xuôi và miền ngược, hệ thống cấp nước, tiêu úng, chậm lũ, thoát lũ, tiêu chua, rửa phèn, đẩy mặn ở đồng bằng sông Hồng, Sông Cửu Long…

Sức mạnh lao động được nhân lên trên các công trường đất – đá – bê tông nhờ phong trào thi đua rộng lớn. Mỗi năm đều có các phong trào “Thi đua trên các công trình trọng điểm”, “Xây dựng công trình tiêu biểu chất lượng cao”. Mỗi địa bàn, lĩnh vực đều có phong trào thi đua “Tiết kiệm, đảm bảo an toàn lao động”, “Lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật” rút ngắn thời gian thi công, về đích trước kế hoạch; đồng khởi “Thi đua quản lý khai thác tốt các công trình thủy nông phục vụ sản xuất nông nghiệp”, “Thi đua với Cụm Thủy nông tiên tiến Cầu Ghẽ (Hải Hưng)”; thi đua “Làm thủy lợi vừa và nhỏ”, “Xây dựng các đội chuyên làm thủy lợi 202”;  thi đua “Quản lý và bảo vệ đê điều tốt”... Cùng với các phong trào thi đua “Ba xây ba chống”, thi đua trở thành “Đơn vị tiên tiến, tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa” của cả nước, mỗi người, mỗi đơn vị trong ngành đều thi đua phát huy ý chí quật cường của dân tộc “Nghiêng đồng đổ nước, thay trời làm mưa”; tự vươn lên“Học nghề nào giỏi nghề đó”, “Giỏi một nghề, biết nhiều nghề”, thi đua trở thành "Chủ máy giỏi", “thợ cơ khí giỏi”, “Cán bộ quản lý giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”…

Mười chín năm hoạt động, bằng công tác giáo dục, tuyên truyền gắn với thi đua yêu nước, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, Công đoàn Thủy lợi Việt Nam đã tập hợp, nâng cao ý thức giác ngộ của công nhân thủy lợi trước trách nhiệm của ngành đối với nông nghiệp và các ngành kinh tế, với người dân và xã hội; cùng họ phát huy vai trò làm chủ, đi đầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành trong tất cả các lĩnh vực: xây dựng thủy lợi, công tác đê điều, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai… Bằng kết quả tham gia quản lý, thực hiện dân chủ cơ sở, Công đoàn Ngành đã góp phần xây dựng Bộ, các cơ quan, đơn vị của ngành phát triển, xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng trưởng thành lớn mạnh.

5. Phong trào công nhân công đoàn ngành Thủy sản từ 1960 đến 1997

Hoạt động của Công đoàn Thủy sản Việt Nam từ khi thành lập năm 1992 đến 2007 là giai đoạn cuối trong chặng đường 47 năm phát triển của ngành Thủy sản Việt Nam với tư cách là một ngành kinh tế độc lập. Truyền thống công đoàn của ngành Thủy sản Việt Nam trong 15 năm đó không thể tách khỏi quá trình lâu dài, từ khi thành lập Ban Cán sự công đoàn Thủy sản Việt Nam năm 1960. Tuy có khoảng thời gian đứt quãng của tổ chức Công đoàn ngành trong hơn 25 năm, từ 1966 đến 1992, nhưng các thành tựu của 15 năm cuối là sự kế thừa rất vẻ vang cả quá trình phát triển trước đó của ngành và tổ chức công đoàn các đơn vị trong ngành.

Trong từng giai đoạn phát triển, từ năm 1960 đến năm 2007, mỗi thời kỳ đều có những dấu ấn, truyền thống tiêu biểu, thể hiện qua những mô hình kinh tế, chỉ tiêu sản xuất, xuất khẩu thủy sản. Đó là quá trình phát triển từ nghề cá tự phát nhỏ lẻ, lạc hậu đến một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, với liên kết chuỗi khai thác, bảo vệ nguồn lợi, nuôi trồng thủy sản, chế biến, tiêu thụ, dịch vụ hậu cần nghề cá và xuất khẩu. Dù có thăng trầm, nhưng lực lượng và phong trào công nhân viên chức, lao động ngành thủy sản vẫn luôn là một dòng chảy, không ngừng phát triển đông hơn, chất lượng hơn, đóng góp công sức nhiều hơn xây dựng ngành, cùng ngư dân cả nước vượt qua những khó khăn thách thức, tiến những bước dài trên con đường đổi mới, đưa Thủy sản Việt Nam lên tầm cao mới.

Sau khi được thành lập, Công đoàn Thủy sản Việt Nam đã nhanh chóng phát huy vai trò đại diện cho người lao động nghề cá cả nước, triển khai các hoạt động công đoàn, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước và hành động cách mạng trong công nhân viên chức, lao động. Mỗi giai đoạn phát triển đều có những dấu ấn, truyền thống tiêu biểu, thể hiện qua những phong trào. Đó là phong trào “cải tạo xã hội chủ nghĩa miền biển”, “hợp tác hóa” và “xây dựng quốc doanh nghề cá”, phát triển sản xuất theo phương châm “cải tiến nghề lộng, phát triển nghề khơi, sắm thêm nhiều thuyền đánh cá quanh năm” trong những năm mới lập lại hòa bình trên miền Bắc. Phong trào “vững tay lưới, chắc tay súng” vừa sản xuất bám biển, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, góp sức làm nên “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”, cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đánh thắng giặc Mỹ giải phóng miền Nam”, sản xuất theo phương châm “lấy  nuôi bù đánh” để xây dựng kinh tế miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm chiến tranh với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Phong trào “Ao cá Bác Hồ”. Phong trào phát triển thủy sản theo phương châm gắn kết tổng thể chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo hậu cần nghề cá, chú trọng cả nuôi trồng và khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, “tự cân đối, tự trang trải” trong những năm tiền đổi mới và đổi mới…

Công đoàn Thủy sản Việt Nam không ngừng “hướng về cơ sở, vì cơ sở”, “hướng về biển đảo”, luôn chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; là người đề xuất thành lập và trực tiếp quản lý “Quỹ Nhân đạo nghề cá” với tấm lòng luôn hướng về ngư dân.

Sau khi sáp nhập vào Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2007, phong trào công nhân viên chức, lao động thủy sản bước vào thời kỳ mới, tiếp tục phát huy sức mạnh của mình trong tổng thể khối đoàn kết nông, lâm, ngư nghiệp và thủy lợi.

III. PHONG TRÀO CÔNG NHÂN CÔNG ĐOÀN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT VIỆT NAM TỪ NĂM 1997- 2023

1. Thành lập Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Ngày 5 tháng 4 năm 1997, Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra Quyết định số 543-QĐ/TLĐ về việc thành lập Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trên cơ sở sáp nhập bốn tổ chức Công đoàn ngành nghề là Công đoàn Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm Việt Nam, Công đoàn Lâm nghiệp Việt Nam, Công đoàn Thuỷ Lợi Việt Nam, Công đoàn Cao Su Việt Nam. Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trở thành công đoàn ngành nghề Trung ương toàn quốc có lực lượng trên nửa triệu cán bộ, công nhân viên chức lao động và đoàn viên công đoàn trong hai hệ thống tổ chức là khối Công đoàn ngành địa phương của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khối các cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan Bộ, các tổng công ty và các đơn vị thuộc Bộ. Đây là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của công nhân lao động và trí thức trong toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ xung kích trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ định Ban chấp hành lâm thời Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam với 28 đồng chí hoạt động từ ngày 6 tháng 5 năm 1997 đến 11 tháng 8 năm 1998:

- Đồng chí Hoàng Triện - Chủ tịch, phụ trách chung;

- Đồng chí Phạm Công Thu, Phó Chủ tịch, phụ trách công tác tổ chức cán bộ và kiểm tra;

- Đồng chí Nguyễn Tiến Đoàn, Phó Chủ tịch, phụ trách công tác văn phòng, tài chính;

- Đồng chí Đặng Thành Công, Phó Chủ tịch trực tiếp làm Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Cao su, thường trực ở phía Nam.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ lâm thời của Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là kiện toàn tổ chức Công đoàn Ngành; tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thành lập các công đoàn tổng công ty theo các Nghị định số 90-CP và 91-CP của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, thống kê số lượng và chất lượng cán bộ công đoàn các cấp, nhất là cán bộ chuyên trách, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ công đoàn cho công đoàn các cấp. Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành nhiệm vụ tập hợp được lực lượng đông đảo công nhân viên chức lao động của các ngành nông, lâm nghiệp và thủy lợi trong một tổ chức Công đoàn thống nhất toàn quốc, triển khai được các công việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ I, tiếp tục tổ chức các phong trào thi đua rộng khắp trong toàn ngành, làm tốt vai trò là người đại diện cho lực lượng xung kích thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển ngành trong năm 1997 và 1998.

2. Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhiệm kỳ (1998- 2003)- Đại hội lần thứ I

Ngày 11 tháng 8 năm 1998, Đại hội Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lần thứ I  nhiệm kỳ ( 1998- 2003) đã được diễn ra tại Hà Nội. tham dự đại hội có 300 đại biểu, đại diện cho 473 nghìn công nhân viên chức lao động và đoàn viên công đoàn toàn ngành.

Nhiệm kỳ 1998- 2003 có 41 Uỷ viên Ban Chấp hành với 11 uỷ viên Ban Thường vụ và phân công cụ thể:

-          Đồng chí Lê Sinh Ngoạn, Chủ tịch, phụ trách chung, đồng thời phụ trách trực tiếp công tác tuyên giáo, tổ chức cán bộ, đối ngoại và chỉ đạo công đoàn các đơn vị khu vực hành chính, sự nghiệp;

-         Đồng chí Nguyễn Tiến Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách công tác tài chính, văn phòng;

-         Đồng chí Ngụy Thị Tiến Cừ, Phó Chủ tịch, phụ trách nữ công, chính sách chế độ, lao động tiền lương và chỉ đạo công đoàn các đơn vị khối doanh nghiệp;

Nhiệm kỳ Công đoàn Ngành 1998 – 2003 là giai đoạn chuyển tiếp hai kỳ Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996) và IX (năm 2001), hai kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VII (năm 1993) và VIII (năm 1998). Nền kinh tế - xã hội nước ta kết thúc kế hoạch 5 năm cuối cùng của thế kỷ 20 (1996 – 2000), để chuyển sang thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên của thế kỷ 21 (2001 – 2005). Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn bước vào thời kỳ đẩy mạnh tiến độ, hướng đến mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020.

Tháng 9 năm 2000, Công đoàn Ngành đã giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Đại hội thi đua yêu nước toàn ngành lần thứ I. Đây là dịp tổng kết 5 năm phong trào thi đua toàn ngành, tôn vinh các điển hình, biểu dương lực lượng cốt cán của ngành trong thời kỳ đổi mới. Đồng thời là cột mốc quan trọng để toàn ngành tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới.

Qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước, cán bộ, công nhân viên chức, lao động của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét khen thưởng: 29 tập thể, 21 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (1986 – 2000); 71 người đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 497 Chiến sỹ thi đua cấp ngành; 475 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương lao động; 677 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Đội ngũ cán bộ công đoàn và công đoàn các cấp trong ngành cũng được khen thưởng: 13 Huân chương Lao động các hạng; sáu Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 77 Cờ Thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 99 Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 107 Bằng và huy hiệu lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 150 Huy chương vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 164 Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 239 Cờ thi đua của Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 9.877 Bằng khen của Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; 23 công trình của Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được gắn biển chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII.

3.     Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhiệm kỳ

 ( 2003- 2008)- Đại hội lần thứ II

Từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 7 năm 2003, Đại hội Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lần thứ II  nhiệm kỳ ( 2003- 2008) đã được diễn ra tại Hà Nội. tham dự đại hội có gần 300 đại biểu, đại diện cho hơn 320 nghìn công nhân viên chức lao động và đoàn viên công đoàn toàn ngành.

Đại hội Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lần thứ II đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ (2003 – 2008) gồm 41 đồng chí. Ban Thường vụ có 13 ủy viên; Đồng chí Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật của Bộ, được bầu làm Chủ tịch. Các đồng chí Ngụy Thị Tiến Cừ, Phạm Ngọc Kết, Nguyễn Bá Hanh được bầu làm Phó Chủ tịch. Trong nhiệm kỳ II (2003- 2008) của Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chưa kết thúc, năm 2007 đã diễn ra sự thay đổi quan trọng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công đoàn Ngành- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thuỷ sản được hợp nhất để thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (mới) vào tháng 7 năm 2007. Cũng trong năm này, Công đoàn Thuỷ sản Việt Nam được sáp nhập với Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ này cuộc vận động “Liên kết bốn nhà” tiếp tục đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao thu nhập và hiệu quả sản xuấtBên cạnh đó, các phong trào thi đua “Lao động sáng tạo”, “Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, “Xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá” đã có những bước chuyển biến tích cực so với trước đây. Số lượng các đơn vị được công nhận đạt tiêu chuẩn thi đua tăng nhiều. Thông qua các phong trào hành động cách mạng và thi đua yêu nước, tổ chức công đoàn đã bồi dưỡng, xây dựng được nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để tiếp tục nhân rộng. Trong giai đoạn này đã có 09 tập thể, 04 cá nhân trong ngành được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; trên 30 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 150 đơn vị được tặng Cờ Thi đua Chính phủ. Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hai công đoàn cơ sở thuộc ngành được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai; 10 công đoàn cơ sở và cán bộ công đoàn được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba;  25 công đoàn cơ sở và cán bộ công đoàn được tặng Bằng khen Chính phủ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng nhiều Cờ Thi đua và Bằng khen cho hàng trăm tập thể, cá nhân của ngành có nhiều thành tích trong hoạt động Công đoàn

 Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn này đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ do Đại hội Công đoàn Ngành lần thứ II đề ra, tiếp tục có những bước đổi mới tích cực, hoà chung trong tiến trình đổi mới nông nghiệp, nông thôn nước ta. Phong trào công nhân viên chức, lao động của ngành được nâng lên một tầng nấc mới. Đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động của ngành đã làm tròn vai trò xung kích trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển ngành, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động công đoàn

4.     Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhiệm kỳ

 ( 2008- 2013)- Đại hội lần thứ III

Từ ngày 08 đến ngày 10 tháng 6 năm 2008, Đại hội Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lần thứ III  nhiệm kỳ ( 2008- 2013) đã được diễn ra tại Hà Nội. tham dự đại hội có 292 đại biểu, đại diện cho hơn 30 vạn cán bộ, công nhân viên chức lao động và đoàn viên công đoàn toàn ngành.

Đại hội đã bầu ra 41 Ủy viên Ban Chấp hành và 13 uỷ viên Ban Thường vụ; Đồng chí Bạch Quốc Khang, Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được bầu làm Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khóa III. Các đồng chí Phạm Ngọc Kết, Nguyễn Bá Hanh, Nguyễn Mạnh Hiền, Phó Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ II được Đại hội tín nhiệm bầu lại là Phó Chủ tịch Công đoàn Ngành nhiệm kỳ III. Đồng chí Phạm Ngọc Kết được phân công là Phó Chủ tịch thường trực.

Trong nhiệm kỳ này, Công đoàn Ngành đã bổ sung đồng chí Ngô Thị Anh Tuyên, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên, làm Phó Chủ tịch và Đồng chí Tạ Trung Việt được bầu làm Phó chủ tịch; nhiệm kỳ này Ban chấp hành công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã được tăng thêm 02 Ủy viên Ban Chấp hành tăng lên 43 đồng chí.

Giai đoạn này, cả nước tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X “ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Phong trào thi đua thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới do thủ tướng Chính phủ phát động... Việc tổ chức các phong trào công nhân viên chức, lao động công đoàn của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam trong nhiệm kỳ 2008- 2013 luôn bám sát sự chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Thực hiện khẩu hiệu đổi mới Công đoàn Ngành đã có nhiều thử nghiệm mới, thực hiện những công việc có tính đột phá, đổi mới toàn diện cả về phương thức tổ chức và hoạt động công đoàn; Đưa nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người lao động lên hàng đầu, tập trung sức chỉ đạo và nguồn lực để thực hiện. Một trong những hoạt động có tính đột phá, có tác động lớn trong xã hội là việc vận động thành lập các nghiệp đoàn của ngư dân đánh cá trên biển, gọi chung là nghiệp đoàn nghề cá.

Trong giai đoạn 2008 – 2013, bằng kết quả thi đua yêu nước, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng I, Huân chương Lao động hạng II, Cờ thi đua của Chính phủ. Có ba cán bộ công đoàn được nhận Huân chương Lao động các loại. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 536 Bằng khen, 38 Bằng Lao động sáng tạo cho các tập thể và cá nhân. Có một công trình cấp quốc gia được gắn biển chào mừng Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam. Một số công trình được gắn biển chào mừng Đại hội XI Công đoàn Việt nam, Đại hội IV Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam.

5.     Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhiệm kỳ

 ( 2013- 2018)- Đại hội lần thứ IV

Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 3 năm 2013, Đại hội Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lần thứ IV  nhiệm kỳ ( 2013- 2018) đã được diễn ra tại Hà Nội. Tham dự đại hội có 300 đại biểu, đại diện cho hơn 40 vạn cán bộ, công nhân viên chức lao động và đoàn viên công đoàn toàn ngành.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 45 ủy viên. Đồng chí Vũ Xuân Thủy, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ được Đại hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch; Ban Thường vụ có 15 uỷ viên.

Các đồng chí Phó Chủ tịch Công đoàn Ngành khóa III là Tạ Trung Việt và Ngô Thị Anh Tuyên được tái cử là Phó Chủ tịch Công đoàn Ngành khóa IV. Nhiệm kỳ này Công đoàn Ngành đã bổ sung đồng chí Trần Văn Quý Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và PTNT là Phó Chủ tịch Thường trực và Đồng chí Đỗ Tiến Dũng ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Ngành là Phó Chủ tịch.

Giai đoạn này Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội IV phương châm hành động: “Vì quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn”. Công đoàn Ngành đã cụ thể hóa bằng 4 Chương trình hành động là: Chương trình phát triển đoàn viên; Chương trình nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ; Chương trình nâng cao chất lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể; Chương trình nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động, phần đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo các Ban tham mưu của Cơ quan Công đoàn Ngành tiếp tục tổ chức tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 22 về ”Xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các Nghị quyết Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 4,5,6 Khóa XII; Triển khai các hoạt động trọng tâm, bám sát yêu cầu thực tế và sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, chủ trương của Ban Cán sự Đảng Bộ; Đồng thời, tập trung chỉ đạo các phong trào thi đua tham gia tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở ; Thành lập Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam…

6.     Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhiệm kỳ

 ( 2018- 2023)- Đại hội lần thứ V

Từ ngày 20 đến ngày 21 tháng 5 năm 2018, Đại hội Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lần thứ V  nhiệm kỳ ( 2018- 2023) đã được diễn ra tại Hà Nội. Tham dự đại hội có 246 đại biểu, đại diện cho 600.000 cán bộ, công nhân viên chức lao động và đoàn viên công đoàn toàn ngành.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 39 ủy viên. Đồng chí Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam khóa IV được Đại hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch; Ban Thường vụ có 13 uỷ viên.

Các đồng chí Phó Chủ tịch Công đoàn Ngành khóa IV Trần Văn Quý, Ngô Thị Anh Tuyên, Đỗ Tiến Dũng được tái cử là Phó Chủ tịch Công đoàn Ngành khóa V, nhiệm kỳ 2018 - 2023;

Nhiệm kỳ này  hoạt động công đoàn đã thực sự có những cách làm sáng tạo hướng trực tiếp đến đoàn viên và người lao động, tạo dựng được hình ảnh, niềm tin của đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các cấp công đoàn đã linh hoạt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động với nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp phần nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức trách nhiệm của đoàn viên, người lao động. Các chương trình, hoạt động được tổ chức thực hiện khoa học, thiết thực, hiệu quả. Góp phần thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho  đoàn viên người lao động. Các cấp công đoàn triển khai, hưởng ứng các chương trình, cuộc thi do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động như: chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, cuộc thi viết về công nhân công đoàn, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Lao động năm 2019 đến 100% các công đoàn cơ sở. Triển khai cuộc thi ảnh “Nét đẹp công đoàn và người lao động” năm 2019, 2020; Cuộc thi sáng tạo “Video clip bài tập thể dục giữa giờ trong công nhân viên chức, lao động”...  Đã tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động. Tham gia xây dựng người lao động Việt Nam yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, lao động sáng tạo, tôn trọng pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi. Phát triển các phương thức tuyên truyền mới có tác động nhanh, sức lan tỏa rộng và đưa các hoạt động văn hóa tinh thần đến đông đảo người lao động. Tuyên truyền, vận động người lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với điều kiện lao động mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có giải pháp phù hợp, hiệu quả, tiếp tục đưa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về“Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến với từng đối tượng người lao động, sử dụng có hiệu quả những ứng dụng tích cực của internet, mạng xã hội trong tuyên truyền, vận động, cung cấp, phổ biến thông tin đến công nhân. Tổ chức khoa học, đồng bộ công tác dư luận xã hội ở các cấp công đoàn. Chỉ đạo thành công Đại hội Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam lần thứ II; Tập trung củng cố tổ chức và sắp xếp lại các cơ quan tham mưu của Công đoàn ngành, các Tổng công ty không còn đủ điều kiện hoạt động; Thực hiện tốt công tác tư vấn pháp luật, đối thoại, thương lượng kí kết thỏa ước lao động tập thể; Đẩy mạnh hoạt động theo ngành nghề; Tăng cường nhiệm vụ đại diện, bảo vệ người lao động; Hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động trong đợt Covid-19…

Những thành tựu trong 75 năm qua của Công đoàn ngành Nông nghiệp Việt Nam có được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Cán sự đảng Bộ qua các thời kỳ, của các cấp uỷ đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời, nhờ hoạt động công đoàn đã xuất phát và gắn chặt với nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; liên kết được sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, dựa trên nền tảng đoàn kết, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn các cấp; nhờ có phương pháp hoạt động hiệu quả, linh hoạt và giữ vững nguyên tắc, luôn hướng về cơ sở. Đó là những bài học sâu sắc rút ra từ thực tế.

                                                                                                                                                                         Ban Tuyên giáo – Nữ công tổng hợp