Phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho xã hội. Ở nhiều lĩnh vực, ngành, nghề, đã xuất hiện nhiều phụ nữ tài năng, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Những cô giáo tài năng, duyên dáng “Giỏi việc trường - Đảm việc việc nhà” đã thực sự trở thành những tấm gương sáng và tô thêm vẻ đẹp về phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Đội ngũ nữ nhà giáo đã ngày càng trưởng thành về số lượng và chất lượng. Đã xuất hàng trăm nữ cán bộ quản lý giáo dục tài năng, nhiều tập thể, cán nhân được được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia.
 
Báo cáo của Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho thấy, hàng năm, có trên 80% nữ nhà giáo đạt danh hiệu “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” các cấp. 90-95% gia đình nữ nhà giáo đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Nhiều đề tài khoa học của các nhà khoa học nữ đang công tác trong các trường học có giá trị cao trong thực tiễn và đã được ứng dụng trong thực tế. Qua đó đã góp phần khẳng định vị trí và sự đóng góp to lớn của nữ nhà giáo cho xã hội.
 
Đặc biệt, phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” được ngành Giáo dục cụ thể hóa từ phong trong “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng.
 
Qua đó, phát huy được phẩm chất tốt đẹp và tiềm năng to lớn của nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGLĐ) trong các hoạt động GD-ĐT, nghiên cứu khoa học, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; góp phần phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, khẳng định được vị thế của đội ngũ nữ CBNGLĐ trong sự nghiệp trồng người.
 
Hầu hết con của nữ CBNGLĐ ngành Giáo dục đều là con ngoan, trò giỏi, đạt học sinh giỏi các cấp; nhiều cháu đoạt giải thưởng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; trên 500 nữ nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; nhiều cô giáo vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
 
Nhiều cô giáo còn được lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong và ngoài ngành; được lựa chọn, bầu vào cấp uỷ, hội đồng nhân dân các cấp,...
 
Phụ nữ ngành Giáo dục đã tích cực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
 
Có đi mới thấy, có đến mới hay, nhiều giáo viên vùng, vùng đặc biệt khó khăn, dù trang thiết bị dạy - học thiếu thốn đủ bề nhưng các cô vẫn miệt mài nghiên cứu sử dụng mọi biện pháp giảng dạy nhằm mang lại những tiết học bổ ích, trực quan, sinh động cho học sinh. Không có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, các cô sưu tầm sách báo, tự tay thiết kế những dồ dùng dạy - học.
 
Có thể nói phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng. Nói như bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam thì, phụ nữ ngành Giáo dục đã và đang hiện thực hóa 5 tiêu chí:
 
“Yêu nước; Có trình độ chuyên môn vững vàng, năng động, sáng tạo và hoàn thành tốt công tác được giao; Có sức khỏe; Có lối sống văn hóa và tấm lòng nhân hậu; Quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng”, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng, giản dị, lành mạnh và thanh danh của nhà giáo".