Ngày 25.6, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam và Hội Cựu Giáo chức Công đoàn Giáo dục Việt nam tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo. Tại hội thảo, những vấn đề về tiền lương, chức danh, chứng chỉ hành nghề... được nhiều đại biểu góp ý.
|
|
Bà Vũ Thị Việt Hoa - Giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Chân Phúc |
Cần quy định để bảo vệ nhà giáo trước mạng xã hội, phụ huynh và học sinh
Bà Vũ Thị Việt Hoa - Giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đánh giá, những chính sách, quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo rất tiến bộ, giải quyết được những bất cập, hạn chế đối với chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo hiện nay.
Bà Việt Hoa cho biết, trong dự thảo Luật Nhà giáo đã nêu 6 hành vi có nội dung bảo vệ nhà giáo. Tuy nhiên, 6 hành vi này mới chỉ thể hiện sự bảo vệ nhà giáo trước cấp quản lý, mà chưa đề cập rõ việc bảo vệ nhà giáo trước một số khách thể liên quan khác như: dư luận, truyền thông, cha mẹ học sinh và học sinh.
Theo bà Việt Hoa, xã hội hiện nay khi công nghệ đang làm chủ sự phát triển của con người đã phần nào ảnh hưởng đến vị thế nhà giáo, đến truyền thống "tôn sư trọng đạo" xưa nay.
Chưa bao giờ tình trạng bạo lực học đường (cả về tinh thần lẫn thể chất) trở nên phức tạp và nhức nhối như thế, khi một số học trò lệch lạc quan điểm sống, dẫn đến những hành vi tiêu cực, nguy hiểm tự hủy hoại bản thân.
|
|
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Chân Phúc |
"Đặc biệt chúng ta sẽ chấn động tinh thần mỗi khi nghe tin đồng nghiệp - một nhà giáo nào đó đã bị chính học trò “tác động vật lí” hay bị phụ huynh kéo vào trường uy hiếp khi phụ huynh, học sinh không vừa ý... Hay giáo viên sẽ xuống tinh thần trầm trọng khi mạng truyền thông lan truyền thông tin, những sinh hoạt cuộc sống riêng của nhà giáo. Những tình trạng này đã đặt nhà giáo trong một tâm thế phấp phỏng, hoang mang....", bà Việt Hoa nêu dẫn chứng.
Trong thực tế, một bộ phận nhà giáo đang có xu hướng tự thu mình lại trước những hành vi chưa chuẩn mực của học trò, của phụ huynh, cùng với sự quá đà của mạng xã hội và đôi khi là sự hà khắc của dư luận.
"Từ những vấn đề trên, tôi nghĩ nên đưa vào Luật các hành vi nghiêm cấm các “tương tác” có liên quan đặc thù với nhà giáo. Được như vậy, các nhà giáo sẽ yên tâm khi mình được bảo vệ trọn vẹn hơn", bà Việt Hoa đề xuất.
Cần chi tiết hơn các quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo
TS. Phạm Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục Việt Nam cho rằng, trong dự thảo Luật Nhà giáo, vấn đề chức danh chuẩn nhà giáo còn chưa được chi tiết, như việc chưa có quy định tiêu chuẩn cụ thể và thủ tục để được bổ nhiệm.
Ngoài ra, về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, ông cho rằng cũng cần quy định rõ thủ tục hồ sơ để cấp chứng chỉ hành nghề cho những nhà giáo đã đủ tiêu chuẩn.
|
|
TS. Phạm Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Chân Phúc |
"Trong mục b, điểm 3, điều 15 có nêu: Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
Trong nội dung này dùng từ sát hạch là chưa rõ: Sát hạch là thi lấy chứng chỉ hành nghề hay là nhà giáo đủ các điều kiện theo quy định thì được cấp chứng chỉ hành nghề.
Ở nội dung này có nên xác định thời gian được tuyển dụng bao lâu thì đủ tiêu chuẩn về thời gian theo từng cấp học để được cấp chứng chỉ hành nghề", TS. Phạm Văn Thanh chia sẻ.
|
|
TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Chân Phúc |
TS Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho hay, việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo là sự kiện được giáo viên cả nước trông đợi, kỳ vọng; sự kiện được cả xã hội quan tâm.
"Những ý kiến được trao đổi hôm nay được nhìn từ các góc độ tiếp cận khác nhau... những ý kiến đóng góp này đều rất chất lượng. Hi vọng, Luật Nhà giáo ra đời sẽ tạo dựng một đội ngũ nhà giáo ổn định, phát triển, đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục nói riêng, của xã hội nói chung, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay và thời gian tới", TS. Nguyễn Ngọc Ân nói.
Nguồn: Báo https://laodong.vn/
Đồng Văn Hiếu và Mai Tuyền - Ban Tuyên truyền Công đoàn Học viện